Projects News

Projects News

Chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu: Trả dòng sông trở lại tự nhiên

13/10/2020 - 12:16

(Xây dựng) - Đây là quan điểm của PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam khi bàn về ý tưởng chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu (Hà Nội), đoạn từ đường Trần Khát Chân đến cầu Mai Động do đơn vị tư vấn - Cty R&D Planners đề xuất.

Ủng hộ ý tưởng khôi phục các sông trong đô thị

 
PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông

Được biết ông có hơn 30 năm sinh sống ở phố Kim Ngưu, nhìn ra sông Kim Ngưu, ông có thể chia sẻ về sự biến đổi của sông theo thời gian?

- Gia đình tôi sống ở phố Kim Ngưu từ năm 1984, đến nay đã hơn 33 năm. Tôi còn nhớ, khi chuyển đến xây dựng nhà ở đường Lò Đúc - Minh Khai kéo dài, theo hình thức rất mới là Nhà nước và nhân dân cùng làm, phố chưa là phố như bây giờ. Xung quanh, ngoài khu tập thể 8/3 và Quỳnh Lôi, xung quanh vẫn là ruộng rau muống và làng Thanh Nhàn.

Sau này, khi người dân tin hơn vào chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, họ về ở nhiều hơn, dần dần hình thành nên những dẫy nhà liền kế, nối tiếp TP như bây giờ. Ruộng không còn nữa.

Những năm 90, hai bên bờ sông Kim Ngưu cỏ mọc um tùm, dòng sông vẫn chảy. Những ngày trời mưa, cá từ ao, hồ ra đầy sông, chúng tôi vẫn ra sông câu cá rô, cất vó...

Rồi thì mật độ nhà ở ở phố Kim Ngưu cũng như trong phố xung quanh ngày nay tăng cao. Tất cả khu vực này đều đổ thải nước ra sông. Nước sông dần trở nên đen ngòm và hôi thối. Thậm chí nó không chảy nữa. Sông chỉ chảy khi mưa to và thoát úng ngập cho khu vực. Còn bình thường, dòng chảy của sông chỉ là những vệt chảy nước thải.

Sông đã được nạo vét và kè nhưng nước thải vẫn đổ dồn vào đấy. Dòng sông hiện như một cống hở.

Chính vì vậy, ông ủng hộ việc chỉnh trang, cải tạo sông Kim Ngưu?

- Tôi ủng hộ ý tưởng khôi phục các sông trong đô thị nói chung, sông Kim Ngưu nói riêng, theo hướng làm sống lại dòng sông. Vấn đề là làm như thế nào?

Về kỹ thuật, chắc chắn phải giải quyết triệt để ô nhiễm theo hướng tách nước thải, không đổ nước thải vào dòng sông và có nguồn cấp nước sạch cho sông. Chính vì vậy, phương án chỉ xử lý 1 đoạn sông khó khả thi. Còn đoạn trước và sau đó thì sao? Theo tôi, nên nghiên cứu toàn bộ dòng sông, dù đã mất đoạn, để xem tri lưu ở đâu, sự tồn tại vốn có như thế nào, hệ sinh thái ra sao?

Hơn nữa, phải xem xét, tính toán lại phương án cống ngầm ở dưới lòng sông. Theo phương án hiện nay, dòng sông sẽ gồm 2 đáy. Đáy dưới là cống hộp, nước thải đổ trong cống hộp. Ở trên là dòng chảy dòng sông, với mực nước khoảng 1,2m. Tôi không đồng tình lắm với phương án này bởi theo tôi, dòng sông đáy phải tự nhiên, hệ sinh thái có bùn, có đất, hệ tảo, thực vật trong nước… Dòng sông mà đáy bê tông thì đó là cái bể. Môi trường sinh thái dòng sông khác với bể.

Theo tôi, nguyên tắc đầu tiên là trả lại tự nhiên, đừng nhân tạo hóa quá dòng sông. Nên nghiên cứu phương án trả về dòng sông tự nhiên và giải quyết nước thải ngầm cũng được, nhưng không phải đáy bê tông.


Các sông trong đô thị nói chung, sông Kim Ngưu nói riêng, cần được cải tạo, khôi phục theo hướng trả dòng sông trở lại tự nhiên.

Trả sông về tự nhiên, tức là phải làm cho dòng sông chảy trở lại. Vậy phải làm như thế nào, thưa ông?

- Về mặt kỹ thuật, muốn dòng sông chảy, thì phải có nguồn cấp nước, do vậy cần nghiên cứu cả hệ thống sông và nguồn cấp nước cho nó. Nguồn cấp nước cho sông Kim Ngưu hiện nay bị ngắt đoạn và nước thải nhiều. Khi bỏ, tách nước thải đi thì phải cấp nguồn cho sông, phải tìm lại tri lưu, xuất phát điểm của sông. Nếu sông mất nguồn nước cấp cho thì phải cấp nguồn cho nó.

Việc cấp nước có nhiều giải pháp. Có thể nối thông hệ thống sông, hồ của Hà Nội, để chúng tự nuôi nhau, tự chảy. Hoặc làm các hầm, bể rất lớn trữ nước mưa, vừa chống ngập cho TP những lúc mưa lớn, vừa khi cần, xử lý sơ bộ, bơm cấp cho dòng sông để sông chảy tuần hoàn và nuôi dưỡng hệ sinh thái, động thực vật thủy sinh… Hiện tại, Hà Nội chưa có khu vực nào có bể, ngầm chứa nước mưa. Chi phí làm bể, hầm trữ và bơm nước mưa, cấp nước sạch cho sông tất nhiên là tốn kém hơn so với nước mưa từ trên trời rơi xuống nhưng cũng là giải pháp cấp nước cho sông rẻ nhất.

Hơn nữa, khi tính chi phí cho một dòng sông thì phải tính cả những giá trị hiệu quả mà dòng sông mang lại, như không khí trong lành, lợi ích mà cư dân được hưởng. Dòng sông đem lại cảm giác sảng khoái cho TP, làm cho người ta yêu thích TP. Người dân sẵn sàng trả thuế để nuôi dưỡng nguồn cấp nước đó cho sông. 

Khi sông sạch rồi, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền để người dân không làm bẩn sông.

Lợi ích cộng đồng phải là trên hết

Về yếu tố quy hoạch, kiến trúc trong nghiên cứu chỉnh trang, cải tạo sông Kim Ngưu, quan điểm của ông như thế nào?

- Đây là dự án xã hội hóa, do vậy phải tạo điều kiện sinh lời cho nhà đầu tư nhưng cũng rất cần cẩn trọng. Câu hỏi đặt ra là lợi ích nào là trên hết? Ở đoạn sông Kim Ngưu này, cũng như các con sông khác trong đô thị, lợi ích lớn nhất là lợi ích cho cộng đồng. Phương án hiện nay có chú ý đến lợi ích cộng đồng nhưng không phải là ưu tiên.

Muốn tìm các giải pháp ưu tiên cho cộng đồng thì dự án cần mở rộng phạm vi nghiên cứu, không chỉ là dọc sông đầu mà còn vào sâu bên trong để xét mối quan hệ của dòng sông với các khu vực chức năng xung quanh. Ví dụ, quan hệ của sông với phố Lò Đúc, Công viên Tuổi trẻ, khu tập thể 8/3, chợ 8/3 như thế nào? Khi đó, tư vấn sẽ thấy các vấn đề nhu cầu của cộng đồng là rất lớn, từ đó dự án mới xác định được các chức năng ưu tiên.

Tôi nhắc lại, ở khu vực này, ưu tiên hàng đầu là vì cộng đồng. Ở đây hiện rất thiếu các không gian công cộng cho cộng đồng, do vậy phải nghĩ cách sử dụng không gian linh hoạt. Tỷ lệ các công trình cố định chỉ ở mức vừa phải.

Đặc biệt, phải ưu tiên dòng sông, mở về hướng dòng sông nhiều nhất,  công trình kiến trúc 2 bên mở ra sông nhiều nhất. Dòng sông khi trả lại tự nhiên thì quyền ra sông của con người từ 2 phía là rất cần thiết.

Tiếp đó, nghiên cứu cảnh quan và nghiên cứu kỹ hơn phương án quy hoạch, kiến trúc cho khu vực và rứt khoát phải trở về cái tự nhiên của dòng sông. Kè cứng thẳng tắp như hiện nay, xấu vô cùng. 

Phương án tổ chức các dãy nhà song song đường Kim Ngưu ở cả 2 phía, cao 3 tầng, gác lên sông của đơn vị tư vấn là giải pháp không tốt, không hợp lý. Dãy nhà càng dài, càng tạo thành tuyến phố, ngăn chặn quyền ra sông của cư dân.

Vậy theo ông, nên ứng xử như thế nào với 2 bên bờ sông Kim Ngưu?

- Nên thiết kế cảnh quan đoàng hoàng, có thể vát dốc, xen kẽ với thảm cỏ, thềm bậc… Làm sao nhìn bờ sông như một tác phẩm, thấy màu xanh của bờ. Mỗi dòng sông có tên và vị trí địa lý khác nhau thì cần nghiên cứu cảnh quan khác nhau.

Trên thế giới có những nguyên lý và nhiều kinh nghiệm ứng xử với sông trong đô thị. Ở nước Pháp chẳng hạn, tất cả các bề mặt nước, dòng sông, nghiêm cấm ngăn, xâm phạm vì lợi ích tư nhân. Họ làm các thềm, bậc, đường dạo dọc sông, thiết kế cảnh quan cây xanh và không gian công cộng, dịch vụ công cộng, nghệ thuật công cộng…, phục vụ quyền lợi của tất cả cư dân TP.

Thưa ông, là một dự án xã hội hóa thì nhà đầu tư phải được hưởng lợi, vậy cần làm gì để hài hòa lợi ích của các bên, trong đó bao gồm cộng đồng và nhà đầu tư?

- Theo tôi, đây là dự án xã hội hóa, có thể bổ sung các chức năng mới về dịch vụ, nhưng cũng không phải là điều kiện quan trọng nhất, vẫn phải ưu tiên nhu cầu của cộng đồng, nhất là cộng đồng tại chỗ.

Không nên đi theo cách mà tư vấn đề xuất hiện nay, mà nên đi theo cách tại các vị trí, địa điểm quan trọng có thể phát triển các công trình có mật độ xây dựng cao. Ví dụ như tận dụng ga tàu điện ngầm trong tương lai, ở vị trí đầu đường Trần Khát Chân, cầu Mai Động, vuông góc với sông. Đấy là 2 điểm, có thể lợi dụng nhà ga, tổ chức mật độ xây dựng cao, tăng cường dịch vụ, thương mại tập trung. Nhưng cũng chỉ nên đầu tư 1 vài điểm thôi, không phải tuyến dài. Như thế, vừa bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, vừa trả lại cho sông dòng chảy tự nhiên vốn có.

Hơn nữa, về nguyên tắc, đầu tư công ích, Nhà nước phải bỏ ra một phần, xã hội hóa một phần thôi, không nên xã hội hóa tất cả.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hòa Bình (Trích : vietnamfinance.vn)

Related News
Approved the detailed planning project, scale of 1/500, the urban area of the administrative center

Approved the detailed planning project, scale of 1/500, the urban area of the administrative center

01/04/2021

On March 17, 2021, the Chairman of Vinh Long Provincial People's Committee issued a decision approving the detailed planning project of 1/500 urban administrative center in ward 9 and Truong An ward, Vinh Long city.

For more details

Close-up of the grandest project in Phu Quoc before the opening day

Close-up of the grandest project in Phu Quoc before the opening day

01/04/2021

Phu Quoc United Center complex in the north of Phu Quoc island with a total area of 1044ha is the largest project in Phu Quoc up to now. After more than 2 years of construction, the most important component of the Complex, the Grand World subdivision is about to be completed and ready to be put into operation from March 2021.

For more details

Phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị số 13 thuộc phân khu số 2, TP Bắc Giang

Phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị số 13 thuộc phân khu số 2, TP Bắc Giang

08/12/2020

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị số 13 thuộc phân khu số 2, thành phố Bắc Giang (tỷ lệ 1/500).

For more details

RECRUITMENT OF PLANNING ARCHITECTS

RECRUITMENT OF PLANNING ARCHITECTS

13/10/2020

RECRUITMENT OF PLANNING ARCHITECTS

For more details

GRAND WORLD – “THÀNH PHỐ KHÔNG NGỦ” ĐƯA PHÚ QUỐC BỨT PHÁ TRỞ LẠI

GRAND WORLD – “THÀNH PHỐ KHÔNG NGỦ” ĐƯA PHÚ QUỐC BỨT PHÁ TRỞ LẠI

13/10/2020

Grand World được kiến tạo theo mô hình thành phố “không ngủ" độc đáo đầu tiên, được kỳ vọng sẽ là cú hích giúp du lịch Phú Quốc bứt phá trở lại sau đại dịch Covid-19.

For more details

Hưng Yên duyệt đồ án quy hoạch siêu dự án Dream City của Vinhomes

Hưng Yên duyệt đồ án quy hoạch siêu dự án Dream City của Vinhomes

13/10/2020

(VNF) - UBND tỉnh Hưng Yên vừa ra quyết định phê duyệt đồ án lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị sinh thái Dream City do Công ty Cổ phần Vinhomes làm chủ đầu tư.

For more details

© Copyright 2020-2024 rndplanners.com. Design & Development: kenhwebsite.com